Cây chàm chủ yếu phân bố ở các vùng núi cao Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ và một số nước châu Mỹ. Là loài cây liên nhiệt đới, có thể mọc hoang ở những nơi có độ cao lên đến 2000m. Cũng có thể trồng cây chàm đất bằng hạt vào mùa mưa tầm tháng 2 - 5 và thu hoạch vào tháng 6 - 8. Gốc cây chàm sau khi thu hoạch sẽ nảy mầm trong vòng 1 tháng, sau đó có thể thu hoạch lần nữa.
Cây chàm là loại cây nhỏ được trồng hàng năm, cao trung bình từ 50 - 70 cm, cành cây non có lông ngắn màu trắng. Lá cây chàm mọc so le, hình cánh kép, có khoảng 7 đến 15 lá chét. Hầu như tất cả lá đều dài khoảng 3 - 5cm; lá nhỏ hơn sẽ dài 1.5 - 1.8cm. Quả chàm dài khoảng 2.5cm, chứa 5-12 hạt, hình hơi lập phương. Chàm cũng được thu hoạch vào mùa thu, trước khi cây ra hoa. Khi khô, lá có màu xanh lục, làm nổi rõ các đường gân. Lá cây bao phủ 1/5 đến 1/2 phần gần như nhẵn, không có lông.
Theo Y Học Cổ Truyền chiết xuất từ cây chàm có thể thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, làm mát máu, giảm sưng tấy và lợi tiểu. Còn theo các nghiên cứu của y học hiện đại ngày nay, cây chàm có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, bảo vệ chức năng gan và kháng khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ hay khuẩn tả.
Ở Ấn Độ, cây chàm được ép lấy nước trộn với mật để uống chữa viêm lợi, lở mồm, tưa lưỡi hoặc dùng như một loại thảo dược băng bó khi bị gãy xương. Lá cây còn được sử dụng chữa viêm họng, động kinh, trị ho gà và làm thuốc bôi điều trị lở loét.
Có 2 phương thuốc từ cây chàm để chữa viêm gan cấp tính. Cách 1 là sử dụng 12gr bột chàm với 24gr phèn chua nghiền mịn, mỗi lần uống 2gr, ngày 3 lần. Cách 2 là kết hợp bột chàm với phèn chua theo tỷ lệ 1 - 6, mỗi lần sử dụng sẽ pha 2gr với nước ấm, uống 3 lần mỗi ngày.