Đôi nét về quả lựu
Lựu (thạch lựu) tên khoa học là Punica granatum L., có nguồn gốc bản địa Tây Nam Á. Lựu là loài cây sống lâu năm, với các đặc điểm hình dáng bên ngoài như: hoa có màu đỏ tươi, thường mọc đơn hoặc tụm thành cụm, quả mọng hình cầu, có vỏ dày, khi chín màu vàng, đỏ. Trong quả lựu có các vách ngang trong đó chứa nhiều hạt. Hạt quả lựu có vỏ mọng, sắc hồng trắng, khi ăn có vị chua ngọt nhẹ.
Cây lựu có nguồn gốc bản địa Tây Nam Á và được đem trồng tại vùng Kavkaz từ thời cổ đại. Nó được trồng rộng rãi tại Gruzia, Afghanistan, Algérie, Armenia, Azerbaijan, Iran, Iraq, Ấn Độ, Israel, Maroc, Pakistan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, lục địa Đông Nam Á, Malaysia bán đảo, Đông Ấn, và châu Phi nhiệt đới. Vào năm 1769, lựu được di thực vào châu Mỹ Latinh và California bởi những người định cư Tây Ban Nha. Ngày nay, lựu được trồng tại một số vùng của bang California và Arizona để sản xuất thành đồ uống.
Quả lựu có tác dụng gì?
Ở Việt Nam, quả lựu được trồng nhiều để lấy quả ăn, làm cảnh và làm thuốc. Hầu hết các bộ phận của lựu đều có công dụng chữa bệnh. Theo các nghiên cứu Đông y, vỏ quả lựu có vị chua, chát, tính ấm giúp chỉ tả, chỉ huyết, khử trùng. Vỏ thân và vỏ rễ lựu vị đắng chát, tính ấm, giúp sát trùng, tẩy giun sán.
Còn với những nghiên cứu y học hiện đại, lựu là một trong những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa nhất. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng như đồng, sắt, kali, chất xơ… cùng các loại vitamin có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh về tiểu đường, ung thư và tim mạch.